Một số điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2024

16.09.2024 07:2935 đã xem

 

Trong tám tháng năm 2024, kinh tế – xã hội thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Trong nước, các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng Tám và tám tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực cho các tháng, quý tiếp theo và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024. Một số nét chính về kinh tế – xã hội tháng Tám và tám tháng năm 2024 như sau:

(1) Diện tích gieo cấy lúa thu đông đạt khá, chăn nuôi lợn và gia cầm tiếp tục phát triển ổn định; khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng thủy sản tăng khá, đáp ứng đơn đặt hàng cuối năm tại các thị trường nhập khẩu lớn.

Tính đến 20/8/2024, diện tích gieo cấy lúa thu đông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 489,1 nghìn ha, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; giá lúa ổn định nên tiến độ gieo trồng được đẩy nhanh. Tổng đàn lợn tại thời điểm cuối tháng 8/2024 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; đàn gia cầm tăng 3,4%.

Thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác rừng đến tuổi thu hoạch. Sản lượng gỗ khai thác tháng 8/2024 ước đạt 2.086,4 nghìn m3, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung tám tháng năm 2024 đạt 14.033,2 nghìn m3, tăng 7,2%.

Một số loại thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nước lợ đang vào mùa thu hoạch; đơn hàng các loại sản phẩm thủy sản phục vụ dịp lễ hội cuối năm tại các thị trường nhập khẩu lớn tăng nên sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8/2024 ước đạt 522,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra ước đạt 148,2 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm thẻ chân trắng đạt 119,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; tôm sú đạt 30 nghìn tấn, tăng 1,7%. Tính chung tám tháng năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.446,5 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá tra đạt 1.119 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm thẻ chân trắng đạt 547,3 nghìn tấn, tăng 5%; tôm sú đạt 181,2 nghìn tấn, tăng 2,3%.

(2) Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tám tăng 9,5%; tám tháng năm 2024 tăng 8,6% (cùng kỳ năm trước giảm 0,2%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm trước giảm 0,4%), ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6% (cùng kỳ năm trước tăng 2%), nhờ đó đáp ứng đầy đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Hình 1: Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (%)

(3) Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám tăng 7,9%; vận chuyển hành khách tăng 13,2% và luân chuyển tăng 16,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,2% và luân chuyển tăng 10,5%. Tính chung tám tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,5% và luân chuyển tăng 12,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 13% và luân chuyển tăng 11,8%.

Hình 2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 8 tháng các năm 2020-2024

Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nhằm thu hút khách du lịchKhách quốc tế đến nước ta trong tháng 8/2024 ước đạt 1,43 triệu lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024 đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Hình 3: Khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng năm 2024

(4) Xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng phục hồi và tăng trưởng khởi sắc. Tính chung tám tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu đạt ở nhiều mặt hàng chủ yếu, trong đó, 18 mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tám tháng cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước; 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%. Đây là tín hiệu khả quan để cán cân thương mại hàng hóa năm 2024 đạt kỷ lục mới về xuất siêu.

Cán cân thương mại hàng hóa tám tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 19,07  tỷ USD, nhờ đó góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Hình 4: Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng các năm 2020-2024

(5) Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tính đến ngày 31/8/2024, cả nước có 2.247 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tám tháng năm 2024 đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 5. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 8 tháng các năm 2020-2024 (Tỷ USD)

(6) Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung tám tháng năm 2024, có 168,1 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (135,3 nghìn doanh nghiệp).

Hình 6. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

(7) Thu ngân sách Nhà nước tăng khá nhờ các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc. Thu ngân sách Nhà nước tám tháng năm 2024 đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa (không kể dầu thô) đạt gần 1.117,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%.

(8) Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong tám tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo, trong đó: Hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu và hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu.

Tin tức khác