Hôm nay50
Tháng này2727
Năm này27304
(Trích từ báo cáo Kinh tế - Xã hội năm 2024
của Chi cục Thống kê khu vực Đức Trọng – Đơn Dương)
Tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng phát triển ổn định; tăng trưởng hầu hết các ngành như sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá.
1. Tài chính
Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 236,9 tỷ đồng, đạt 114,51% dự toán, tăng 5,04% so với cùng kỳ; trong đó: Thuế, phí thực hiện 146,5 tỷ đồng, đạt 100,88% dự toán, tăng 34,66%; thu từ cấp đất, nhà thực hiện 46 tỷ đồng, đạt 154,8% dự toán, tăng 9,55% so với cùng kỳ; thu khác thực hiện 35,3 tỷ đồng, đạt 135,36% dự toán, giảm 46,91%. Tổng thu ngân sách địa phương thực hiện 687,6 tỷ đồng, đạt 102,51% dự toán, tăng 26,03% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 702,8 tỷ đồng, đạt 104,77% dự toán, tăng 22,47% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi thường xuyên thực hiện 618,2 tỷ đồng đạt 97,33% dự toán, tăng 36,39%; chi đầu tư xây dưng đạt 84,6 tỷ đồng, tăng 22,47% so với cùng kỳ.
2. Vốn đầu tư
Kế hoạch vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 do địa phương quản lý là 271,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 200 tỷ đồng (trong đó, vốn từ chương trình Mục tiêu quốc gia là 23,2 tỷ đồng), ngân sách cấp huyện là 71,4 tỷ đồng.
Trong năm 2024 trên địa bàn huyện Đơn Dương chủ yếu thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho thực hiện nông thôn mới, sửa chữa các phòng làm việc tại các cơ quan, xây dựng đường liên thôn, liên xã; sửa chữa, xây dựng mới các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...Từ đầu năm đến nay thực hiện vốn đầu tư do nhà nước địa phương quản lý đạt 237,7 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách trung ương đạt 140,9 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 21,8 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện đạt 54 triệu đồng và vốn từ chương trình Mục tiêu quốc gia là 21 tỷ đồng.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
3.1. Sản xuất nông nghiệp
Trong năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương để tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Các mô hình rau, hoa ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhân rộng hiệu quả. Trong năm 2024, huyện Đơn Dương tiếp tục phát triển 3 vùng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau thuộc xã Lạc Xuân, xã Lạc Lâm và trong chăn nuôi bò sữa tại 2 xã Tu Tra và Đạ Ròn.
Cây lúa: Gieo trồng 2.206 ha, tăng 5,14% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 12.034,3 tấn, tăng 5,54% so với cùng kỳ.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 344,1 ha, tăng 19,7%; sản lượng đạt 1.805,6 tấn, tăng 42,55% so với cùng kỳ. Diện tích ngô cả năm 2024 tăng nhiều so cùng kỳ năm ngoái do các hộ dân trồng các loại rau quá nhiều lần nên luân chuyển qua trồng ngô và dùng thân ngô cày cùng chung với đất để cải tạo lại đất; bên cạnh đó bà con trồng các loại giống ngô cao sản nên năng suất cao hơn mọi năm.
Khoai lang: Diện tích gieo trồng là 648,9 ha, tăng 9,35%; sản lượng đạt 15.239,2 tấn, tăng 9,02% so với cùng kỳ.
Cây rau các loại: Diện tích rau các loại gieo trồng là 28.415,7 ha, tăng 0,82% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 1.017.451,8 tấn, tăng 0,37%.
Đậu các loại: Đậu được trồng nhiều tại xã Ka Đô và xã Tu Tra, diện tích gieo trồng là 251,1 ha, tăng 6,42%; sản lượng 262 tấn, tăng 1,77% so với cùng kỳ.
Cây lâu năm: Nhóm cây trồng lâu năm của huyện chủ yếu là nhóm cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm. Cây cà phê với diện tích 1.462,9 ha, tăng 0,71%; hồ tiêu với diện tích 7,3 ha; cây chuối có diện tích 85 ha ha; cây dứa 74,5 ha; cam 16,8 ha. Trong năm 2024, sản lượng thu hoạch một số cây trồng chủ yếu như: cà phê sản lượng đạt 4.014,6 tấn, tăng 0,71%; hồ tiêu sản lượng đạt 13,7 tấn, tăng 1,48%; chuối đạt 2.555,2 tấn, tăng 7,04%; dứa sản lượng thu hoạch ước đạt 1.145,8 tấn, tăng 0,26%; cam sản lượng thu hoạch ước đạt 140,8 tấn, tăng 40,18% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi:
Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi ở huyện Đơn Dương duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện trong năm 2024 có xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, hiện số bò bị bệnh tại huyện đã được kiểm soát và số bò chết đã dừng lại do sử dụng kịp thời, có hiệu quả phác đồ điều trị. Riêng đàn bò trong có 4.426 con bị mắc bệnh, chết 332 con bò, chủ yếu là bò sữa, và bê con, với 205/214 hộ bị ảnh hưởng, tổng số tiền bồi thường là 21,168 tỷ đồng, dự kiến trong tháng 12 Công ty Navetco tiếp tục phối hợp với địa phương để thực hiện phương án bồi thường cho 9 hộ (chưa đồng ý lần 1) còn lại Công ty Navetco tiếp tục phối hợp với địa phương để thực hiện phương án bồi thường cho 9 hộ (chưa đồng ý lần 1). Đến nay, đàn bò đã ổn định trở lại.
Đàn trâu hiện có 2.472 con, sản lượng xuất chuồng cả năm 2024 ước đạt 276,76 tấn, tăng 6,59% so với cùng kỳ. Đàn bò hiện có 28.822 con, giảm 0,09% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn bò sữa 16.428 con, giảm 0,13%% so với cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 837,2 tấn, tăng 4,44%; sản lượng sữa tươi là 88.518,7 tấn, tăng 0,66% so với cùng kỳ.
Tổng đàn lợn đạt 7.150 con, giảm 0,31% so với cùng kỳ. Trong năm 2024 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2.118,7 tấn, giảm 1,84% so với cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm có 290 ngàn con, giảm 0,31% so với cùng kỳ. Trong đó: Đàn gà 258 ngàn con, tăng 1,18%; trong năm 2024 sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 767 tấn, tăng 4,66%; sản lượng trứng gà đạt 24.456,7 nghìn quả, tăng 4,51% so với cùng kỳ.
3.2. Lâm nghiệp
Trong năm 2024, công tác phòng, chống cháy rừng được đảm bảo tốt và ý thức của nhân dân đã được nâng cao chỉ xảy ra cháy rừng nhỏ, cháy thực bì dưới tán rừng, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng phải báo cáo thành vụ cháy rừng. Từ đầu năm đến nay phát hiện 78 điểm cảnh báo cháy rừng; trong đó 49 điểm phát hiện lửa trong rừng, 29 điểm không phải là cháy rừng (gồm diện tích người dân đốt nương làm rẫy cạnh rừng, diện tích cháy trên đất nông nghiệp, diện tích cháy thảm cỏ cây bụi, diện tích cháy thực bì sau khai thác). Đã tổ chức lực lượng dập tắt kịp thời, không gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Khai thác lâm sản: Trong năm 2024 sản lượng củi khai thác ước đạt 1.280 ster, tăng 0,63% so với cùng kỳ, chủ yếu các hộ dân nhặt củi về đun nấu.
Vi phạm lâm luật: Năm 2024 đã phát hiện 09 vụ vi phạm lâm luật; gồm: 04 vụ đã xác định đối tượng vi phạm (chiếm 55,56%), 05 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm (chiếm 44,44%); diện tích thiệt hại do phá rừng 0,22 ha; lâm sản thiệt là 46,2 m3 gỗ.
3.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định, chủ yếu tận dụng diện tích của các ao hồ chứa nước để tưới tiêu cho cây rau, hoa. Năng suất nuôi không đạt nên bà con cũng không mạnh dạn đầu tư thêm. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 66,5 ha. Sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2024 ước đạt 101,3 tấn, tăng 0,99% so với cùng kỳ chủ yếu là sản lượng cá nuôi trồng ước đạt 100,6 tấn; cá khai thác ước đạt 0,7 tấn.
4. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện năm 2024 trong khu vực cá thể giá trị theo giá thực tế đạt 235.502,6 triệu đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 95,57% giá trị, đạt 205.164,8 triệu đồng, tăng 9,92% so với cùng kỳ.
Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng so với cùng kỳ như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm đạt 91.847,8 triệu đồng, tăng 9,92%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúng sẵn đạt 44.037,3 triệu đồng, tăng 4,05%; ngành công nghiệp sản xuất đồ uống đạt 30.773,3 triệu đồng, tăng 9,55%; ngành sản xuất trang phục đạt 14.572,2 triệu đồng, tăng 8,3%.
5. Văn hóa - xã hội
Văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông: Trong năm 2024 huyện Đơn Dương tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên Trang thông tin điện tử huyện, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, hệ thống trạm truyền thanh cấp xã. Thẩm định hồ sơ xét đô thị văn minh đối với thị trấn Thạnh Mỹ và thị trấn D’Ran. Tham gia và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông theo kế hoạch như: Ủy ban nhân dân huyện phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức Hội thi dân vũ với chủ đề “Phụ nữ khỏe đẹp” chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1984 năm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng với 10 đội thi của 10/10 xã, thị trấn tham gia; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thoa và Du lịch; xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa cồng chiêng người Churu - thôn Pró ngó; phối hợp với Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phục vụ Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giáo dục đào tạo: Đến nay huyện Đơn Dương đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ (phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt chuẩn, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 3, xóa mù chữ đạt mức độ 2) theo Quyết định số 106/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 của UBND tỉnh.
Kết quả năm học 2023-2024: Số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là 1.626 học sinh; số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 2156 học sinh; số trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non là 2.126 trẻ.
Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện. Các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, kế hoạch hóa gia đình được triển khai đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Các cơ sở y tế đã thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Lao động và thương binh xã hội: An sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo, Triển khai thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 26/4/2024 của UBND huyện về việc Kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn huyện; kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 08/5/2024 về triển khai Tháng hành động vì trẻ em trên địa bàn huyện năm 2024. Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho 1.200 trẻ em trong phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và phòng chống xâm hại trẻ. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2024 tại thị trấn D’Ran.
Trong năm 2024, đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho đối tượng thuộc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; chi trợ cấp Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng chi kinh phí trợ cấp và tặng quà Tết Nguyên đán gần 4.235 triệu đồng. Tổng giá trị các hoạt động nhân đạo là 11 tỷ đồng.
Hướng dẫn, triển khai cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân cấp tỉnh được tổ chức tại Công ty TNHH Thụy Hồng Quốc Tế thuộc Cụm Công nghiệp Ka Đô. Lễ phát động đã thu hút trên 700 công nhân viên chức lao động tham gia. Phối hợp với Công ty TNHH Giáo Dục & Đào Tạo Skill Khai giảng 02 lớp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn và thôn Suối Thông A1, xã Đạ Ròn; 02 lớp nghề có 50 học viên tham gia; Tiếp tục thực hiện lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động dân tộc thiểu số tại thôn Pró Trong, xã Pró. Lớp nghề có 24 học viên và kinh phí dự kiến là 98 triệu đồng./.